Sáng 11/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Diễn đàn “Khu công nghiệp Việt Nam 2022: Khơi thông làn sóng đầu tư mới”. Diễn đàn do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức với sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tại đây, các lãnh đạo bộ, ngành liên quan, địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp… đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề: Giải pháp khơi thông dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao vào các khu công nghiệp; những nhân tố có thể tạo nên một làn sóng đầu tư mới vào các khu công nghiệp; những điểm mới của Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái và khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ; khu công nghiệp chuyên ngành hấp dẫn doanh nghiệp ngoại như thế nào; giới thiệu cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố. Cùng với đó là vấn đề cung cấp lao động trong các khu công nghiệp; chính sách hỗ trợ tuyển dụng đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ…

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại diễn đàn.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và một số tổ chức quốc tế, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để thu hút một làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài, nhất là đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giai đoạn sau đại dịch Covid-19, thu hút FDI vào Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để có thể đón được một làn sóng đầu tư mới.

Thứ nhất, với việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng và hấp dẫn trong chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu của các nhà đầu tư.

Thứ hai, vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao cùng với các hoạt động kinh tế đối ngoại tích cực của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước. Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Anh Tuấn trình bày tham luận tại diễn đàn.

Thứ ba, với sự quan tâm cao của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các doanh nghiệp, môi trường đầu tư-kinh doanh của Việt Nam ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư.

Thứ tư, lợi thế về nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân có tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn, đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ năm, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, Việt Nam có cơ hội đón đầu xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phát triển một số lĩnh vực mới tại Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng/ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, những năm gần đây, trung bình hằng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35%-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước; nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70-80% tổng vốn đăng ký ở lĩnh vực này của cả nước.

Đồng thời, khu công nghiệp, khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu như: Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP…

Nhiều doanh nghiệp trong nước với khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đã phát triển thành những tập đoàn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, dần vươn tới các thị trường ngoài nước, góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế như: Phú Mỹ 3, Viglacera, Trường Hải, Becamex, Sonadezi, Kinh Bắc…

Hơn thế nữa, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam; nhất là việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.

Hiện nay, trên thế giới, các mô hình khu tiếp tục được xác định là một mô hình hiệu quả để phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển.

Tuy nhiên, các mô hình đang có sự thay đổi về động lực phát triển, các mô hình khu truyền thống hướng đến xuất khẩu và dựa chủ yếu vào ưu đãi về tài chính đang được chuyển đổi mạnh mẽ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh dựa trên: Mô hình quản lý tiên tiến; hợp tác, cộng sinh công nghiệp để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thúc đẩy chuyển đổi mô hình sản xuất, hợp tác kinh doanh, chuỗi giá trị toàn cầu; phương thức điều hành, tổ chức và huy động nguồn lực của doanh nghiệp, chuyển đổi doanh nghiệp từ số hóa đơn giản sang hình thức đổi mới sáng tạo dựa trên sự kết hợp nhiều loại công nghệ. Các yếu tố này sẽ tác động đến mô hình, định hướng phát triển của khu công nghiệp, khu kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới…

Hoàng Liêm (Báo Nhân Dân)