Nhiều gã khổng lồ châu Âu như Đức, Đan Mạch, các đại gia gốc Á đang đổ bộ vào hàng loạt khu công nghiệp để mở nhà xưởng dài hạn.
Cuối quý I, Tập đoàn Fuchs, đại gia dầu nhớt của Đức công bố mở rộng hoạt động tại Việt Nam với động thái thuê khu đất rộng 20.000 m2 tại Khu công nghiệp chuyên dụng Phú Mỹ 3 (PM3 SIP) tại Bà Rịa – Vũng Tàu để xây dựng nhà máy mới.
Với hợp đồng thuê 55 năm, nhà sản xuất dầu nhớt có kinh nghiệm hơn 90 năm của Đức cho thấy cam kết lâu dài tại Việt Nam. Ông Kazama, Phó tổng giám đốc PM3 SIP cho biết Fuchs Group là công ty châu Âu thứ hai tại PM3 SIP, mở ra cơ hội thu hút cộng đồng những nhà đầu tư phương Tây khác muốn gia nhập khu công nghiệp ven biển này.
Hồi tháng 2, thị trường bất động sản công nghiệp ghi nhận thương vụ thuê nhà xưởng giữa Framas và KTG Industrial. Framas, nhà sản xuất máy ép phun hàng đầu của Đức, đã thuê một cơ sở xây sẵn rộng 20.000 m2 tại KTG Industrial Nhơn Trạch 2, tỉnh Đồng Nai, hợp đồng thuê có thời hạn 10 năm.
Hôm 17/2, LOGOS và Manulife Investment Management đã lập liên doanh để mua lại một nhà xưởng logistics hiện đại xây theo yêu cầu (built-to-suit) có tổng diện tích 116.000 m2 với giá trị đầu tư 80 triệu USD.
CapitaLand Development cũng đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư 1 tỷ USD với tỉnh Bắc Giang để phát triển khu công nghiệp, khu hậu cần và khu đô thị đầu tiên của CLD tại Việt Nam. Cùng với đó, Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW đã mua lại Khu công nghiệp DEEP C với quy mô khoảng 74.000 m2 tại Khu công nghiệp Bắc Tiên Phong, tỉnh Quảng Ninh.
Chỉ riêng 2 tháng đầu năm, Thái Nguyên hút được 924 triệu USD vốn FDI, chiếm gần 18,5% tổng vốn FDI cả nước trong kỳ. Nổi bật trong đó là khoản bổ sung vốn trị giá 920 triệu USD của Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam, thuộc Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc). Nhờ đó, nâng tổng vốn đầu tư vào Khu công nghiệp Yên Bình tại thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên lên 2,27 tỷ USD (gần 52 nghìn tỷ đồng).
Cũng trong quý I, Đan Mạch đang là nhà đầu tư lớn nhất tại thủ phủ công nghiệp Bình Dương với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, chiếm 78,9% tổng vốn đăng ký. Giữa tháng 3, Bình Dương đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn LEGO của Đan Mạch tại khu công nghiệp VSIP III cho dự án có tổng vốn hơn 1 tỷ USD. Đây là nhà máy lớn thứ 6 trên toàn cầu và nhà máy thứ hai ở châu Á (nhà máy đầu tiên xây tại Giang Tô, Trung Quốc) của Lego.
Sức nóng thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục lan sang quý II khi đầu tháng 4, Tập đoàn Hoa Lợi (HuaLi Group) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp WHA 1 và khu công nghiệp Hoàng Mai I.
Tại khu công nghiệp Hoàng Mai I, nhà sản xuất Đài Loan xây Nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu. Dự án sẽ được khởi công trong tháng 6 và hoàn thành đi vào hoạt động trong tháng 3/2023. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ có sản lượng 25 triệu đôi sản phẩm một năm, tạo việc làm cho khoảng 16.000 lao động.
Còn tại khu công nghiệp WHA 1 – Nghệ An, HuaLi Group xây nhà máy trên diện tích 7,3 ha với tổng mức đầu tư 38 triệu USD. Dự án sẽ khởi công trong tháng 8 năm nay và hoàn thành đi vào hoạt động trong tháng 6/2023. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ có sản lượng 13 triệu đôi sản phẩm một năm, tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động
Cuộc đổ bộ rầm rộ của các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường bất động sản công nghiệp đã thúc đẩy giá thuê đất công nghiệp tiếp tục đi lên, bất chấp mặt bằng giá đã đội lên khá cao trong 2 năm qua.
Báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp quý I/2022 của JLL cho thấy, giá đất công nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ (tăng 8,5% so với cùng kỳ) nhờ làn sóng FDI mới đổ vào Việt Nam sau khi phục hồi các chuyến bay và mở cửa biên giới quốc tế. Giá thuê bình quân đất công nghiệp đạt 120 USD một m2 cho chu kỳ thuê.
JLL nhận định, thị trường nhà xưởng xây sẵn có bước dịch chuyển sang quy mô lớn hơn để đón bắt nhu cầu của khách thuê, nhất là nhóm khách quốc tế lựa chọn đặt nền móng hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam nhưng muốn tiết kiệm thời gian, chi phí và nhanh chóng đi vào hoạt động.
Savill Việt Nam xác nhận, Việt Nam đã thu hút rất nhiều nhà phát triển bất động sản công nghiệp quốc tế với các dự án mới đang trong quá trình xây dựng đầu năm 2022. Bên cạnh nhà xưởng, một nhánh khác của bất động sản công nghiệp là trung tâm dữ liệu và kho vận đang ghi nhận sự gia tăng nguồn đầu tư chất lượng cao. Nhiều công ty lớn của Mỹ và châu Âu đang tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường Việt Nam ở bước nghiên cứu, phân tích chuyên sâu để lựa chọn địa điểm thích hợp.
Ông Trang Minh Hà, Chủ tịch HĐQT North Stars Asia cho biết, việc khởi động lại các đường bay quốc tế cùng với các hiệp định thương mại đã được ký kết đang mở ra cơ hội hút vốn ngoại rất lớn cho bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2022.
Ông Hà phân tích, Việt Nam là nước đứng thứ hai châu Á (chỉ sau Singapore) về số lượng và độ phủ các hiệp định thương mại thế giới. Tổng GDP các nước đã ký kết hiệp định thương mại với Việt Nam đã chiếm đến 53% GDP toàn cầu.
Ông nhận định, chiến tranh thương mại Mỹ Trung và căng thẳng Triều Tiên ở các năm trước đã tạo thành xu hướng cho Hàn Quốc, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam trong 1-2 năm gần đây. Singapore và nhóm nhà đầu tư gốc Á đứng thứ nhất về vốn FDI đăng ký mới trong những tháng đầu 2022 có thể là một kênh đầu tư gián tiếp của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam.
Việt Nam cũng thu hút được dòng vốn FDI rất lớn khi chi phí nhân công chỉ bằng 60% Thái Lan, 31% Malaysia và 25% Trung Quốc. Thuế doanh nghiệp tại Việt Nam cũng thấp nhất trong khu vực chỉ ở mức 20% đi kèm với nhiều chính sách ưu đãi thuế tại riêng từng tỉnh cho các doanh nghiệp FDI. Thuế và nhân công chưa phải là lợi thế cuối cùng vì so về chi phí thuê đất công nghiệp thì Việt Nam cũng rất thấp so với các nước ASEAN.
Ngoài ra, theo ông Hà, gói hỗ trợ 350.000 tỷ của Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công vào các dự án cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành… cũng sẽ giúp cải thiện chi phí logistic tại Việt Nam đáng kể, từ đó giúp tăng triển vọng đầu tư vào các khu công nghiệp.
Ông John Campbell, Trưởng bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam nhận định, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng tích cực trong năm 2022 khi nhu cầu trong nước phục hồi và dòng vốn đầu tư nước ngoài duy trì đà tăng ổn định. Bên cạnh đó, các điều kiện kinh doanh được cải thiện đáng kể trong 5 tháng qua sau những cản trở của đợt bùng phát dịch Covid-19 biến chủng Delta năm 2021.
Ông John Campbell dự báo, cùng với việc nối lại đường bay quốc tế kéo nhà đầu tư quốc tế quay trở lại, sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như khả năng phục hồi và thích ứng tốt của các doanh nghiệp trong nước đang mở ra tương lai đầy hứa hẹn của thị trường bất động sản công nghiệp trong năm 2022 và cả những năm tới.
Vũ Lê (VnExpress)